Xét nghiệm máu để biết có thai có chính xác không? Đây là những điều bạn cần lưu ý
Chắc hẳn nhiều chị em đã từng nghe qua phương pháp xét nghiệm máu để biết có thai, nhưng liệu rằng bạn đã biết gì về phương pháp này chưa?
Xét nghiệm máu để biết có thai khá mới với nhiều chị em. Trước đây, phái đẹp vẫn ưa chuộng phương pháp chẩn đoán mang thai bằng que thử thai. Tuy nhiên, việc sử dụng que thử thai đôi khi sẽ cho ra kết quả không chính xác do thời điểm không thích hợp.
Thay vào đó, việc thử thai bằng xét nghiệm máu cũng là một cách hiệu quả với độ chuẩn xác cao và được thực hiện nhanh chóng chứ không mất thời gian như nhiều người vẫn nghĩ. Nhưng liệu rằng thử thai bằng xét nghiệm máu có chính xác không? Bạn sẽ cần phải chuẩn bị gì khi thực hiện phương pháp này? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Xét nghiệm máu để biết có thai là gì và có chính xác hay không?
Xét nghiệm máu để biết có thai là phương pháp xét nghiệm để kiểm tra chính xác nồng độ Beta-hCG có trong máu của người phụ nữ. Theo đó, hCG (viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin) là một loại hormone được sản xuất bởi những tế bào hình thành nên nhau thai.
Nó có chức năng nuôi dưỡng trứng sau khi thụ tinh và kích hoạt các tế bào mầm của thai nhi phát triển. Ngoài ra, hormone hCG còn có nhiệm vụ kích thích tiết ra hormone sinh dục, quy định hình thành giới tính thai nhi.
Đối với phương pháp thử thai bằng xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ kiểm tra đo lường lượng Beta-hCG trong mẫu máu của người mẹ. Vì chỉ khi mang thai thì người phụ nữ mới xuất hiện loại tiết tố này nên kết quả thu được sẽ cho biết rằng bạn có đang mang thai hay không.
Khi sử dụng que thử thai, nếu lượng hormone hCG vẫn chưa sản xuất đủ thì kết quả xét nghiệm đó cũng coi như vô hiệu vì độ chính xác không cao. Nhưng phương pháp xét nghiệm máu có thể giúp đo được khối lượng rất nhỏ của hormone hCG, dù chỉ trong vòng 6 – 8 ngày sau khi thụ thai. Do đó, phương pháp này không chỉ mang đến kết quả chính xác nhất mà còn là sớm nhất.
Những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp xét nghiệm máu để biết có thai
Bất cứ vấn đề nào cũng đều sẽ có 2 mặt ưu – nhược điểm và phương pháp thử thai bằng xét nghiệm máu để biết có thai cũng không ngoại lệ. Nếu vẫn đang phân vân rằng có nên xét nghiệm máu để kiểm tra rằng mình có đang mang thai hay không, bạn có thể xem qua những ưu và nhược điểm của phương pháp này rồi đưa ra quyết định.
1. Ưu điểm
– Giúp người mẹ phát hiện có thai từ sớm, ngay cả khi cơ thể chưa bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của thai kỳ.
– Nồng độ hCG được đo sẽ giúp bác sĩ dễ dàng sàng lọc và phát hiện sớm những nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
– Đo lường được khả năng người mẹ có bị thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ hay không
– Phát hiện được những căn bệnh có thể lây nhiễm từ mẹ sang con như: Viêm gan B, HIV, giang mai…
2. Nhược điểm
– So với phương pháp dùng que thử thai vốn đã quá phổ biến thì việc phải xét nghiệm máu sẽ khiến các chị em phải tốn nhiều công sức hơn vì chỉ có thể thực hiện ở các phòng khám.
– Ngoài ra, chi phí để thực hiện xét nghiệm máu tuy không quá cao nhưng so với que thử thai sẽ có sự chênh lệch đáng kể.
– Đồng thời, bạn cũng sẽ phải mất thêm một ít thời gian để chờ đợi kết quả xét nghiệm.
Xem kết quả xét nghiệm máu như thế nào để biết có thai?
Khoảng thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm máu để biết có thai có lẽ sẽ là khoảng thời gian đầy hồi hộp của người phụ nữ. Nhưng đừng quá lo lắng, sau khi mẫu máu được lấy và chuyển đến phòng xét nghiệm, bạn sẽ nhận được kết quả trong thời gian sớm nhất mà thôi!
Dựa vào chỉ số nồng độ hormone Beta-hCG từ kết quả thu được, bạn có thể biết được rằng mình có thai hay không như sau:
- Nồng độ Beta-hCG < 5mlU/ml: Kết quả chưa đủ để có kết luận chắc chắn về việc người khám có mang thai hay không.
- Nồng độ Beta-hCG > 25mlU/ml: Chắc chắn người mẹ đã mang thai.
- Nồng độ Beta-hCG rơi vào khoảng từ 5 – 25mlU/ml: Nên tiến hành xét nghiệm lại sau 48 giờ để có kết quả chính xác nhất.
Thông thường, lượng hCG sau mỗi ba ngày sẽ tăng lên gấp đôi và đến tuần thứ 15-16 của thai kỳ sẽ đạt mức cao nhất, sau đó giảm dần và biến mất trong vài tuần sau sinh.
Trong trường hợp người mẹ có thai nhưng nồng độ Beta-hCG lại giảm quá thấp thì có khả năng thai đã bị chết lưu. Ngược lại, nếu nồng độ Beta-hCG tăng ở mức rất cao thì có thể người mẹ đang mang song thai, đa thai hoặc một số bệnh lý liên quan đến tế bào nuôi.
Những điều cần lưu ý khi thử thai bằng xét nghiệm máu
So với những loại xét nghiệm khác thì phương pháp xét nghiệm máu để biết xác định có thai hay không sẽ có nhiều điểm giống và khác. Nhưng để an toàn và có được kết quả chính xác nhất, bạn đừng bỏ qua những điều cần lưu ý trước khi làm xét nghiệm nhé!
- Thời điểm tiến hành xét nghiệm máu tốt nhất là sau khi quan hệ tình dục từ 7 – 14 ngày
- Bạn không cần phải nhịn ăn như những xét nghiệm khác, nhưng tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng thì sẽ hiệu quả hơn
- Trước khi xét nghiệm ít nhất 12 giờ, hãy nhớ đừng uống nước có gas, bia rượu, nước trà hay những loại đồ uống có cồn khác.
Nhìn chung, phương pháp thử thai bằng xét nghiệm máu tuy vẫn tồn tại một vài điểm hạn chế, nhưng so với kết quả thu được thì có thể thấy đây là điều xứng đáng để có thể bỏ ra. Với một người phụ nữ, không có gì quý giá và ý nghĩa hơn thiên chức được làm mẹ nên chắc hẳn ai cũng mong muốn con của mình sẽ được khỏe mạnh ngay từ những ngày đầu tiên.
Vì vậy nên khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của việc có thai, đừng ngần ngại mà hãy đến các phòng khám uy tín để thực hiện phương pháp xét nghiệm máu để biết có thai để có được kết quả chính xác và an toàn nhất nhé!
Huỳnh Phương
Bạn đang tìm hiểu những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai?
Tham gia ngay cộng đồng Chuẩn bị mang thai - nơi bạn có thể tham khảo kinh nghiệm thực tế từ những thành viên khác và chia sẻ thắc mắc của bạn với Chuyên gia để chuẩn bị thật tốt cho hành trình mang thai sắp tới.
Các bài viết của SodaFoods chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
- Pregnancy Test (hCG) https://labtestsonline.org/tests/pregnancy-test-hcg
- Pregnancy Tests https://www.plannedparenthood.org/learn/pregnancy/pregnancy-tests
- Pregnancy Tests https://my.clevelandclinic.org/health/articles/9703-pregnancy-tests
- Pregnancy testing https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-testing
- Pregnancy Test https://medlineplus.gov/lab-tests/pregnancy-test/ Truy cập ngày 9/6/2021